Ngày 18/11/2020 Ngành Hải quan tổ chức Hội nghị trực tuyến giới thiệu Nghị định số 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hải quan thay thế Nghị định số
127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ.
Trong thời gian qua, một số văn bản quy định về quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; quy định về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan có sự thay đổi tại các văn bản như: Luật thuế
xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Luật quản lý Ngoại thương số 05/2017/QH14, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 về mốt
số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Nghị định xử phạt vi phạm hành chính số 127/2013/NĐ-CP và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP đã quy định tương đối đầy đủ, bao quát các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, nhưng quá trình thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế như:
- Thiếu chế tài xử phạt một số hành vi vi phạm phát sinh từ các quy định mới về quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; quy định về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan hoặc từ các vụ
việc cụ thể phát sinh trong thời gian qua.
- Một số hành vi vi phạm không còn phù hợp do đã có những thay đổi từ yêu cầu quản lý; một số hành vi có định danh chưa rõ ràng, chưa phù hợp nên quá trình thực hiện thiếu thống nhất (hành vi khai sai, không khai, khai không đúng nội dung giấy phép,
không có giấy phép...)
- Không xác định được trị giá tang vật vi phạm để xác định thẩm quyền xử phạt và khung tiền phạt đối với một số mặt hàng cấm như: ngà voi, sừng tê giác, pháo nổ, vũ khí....
Việc ban hành Nghị định số 128/2020/NĐ-CP nhằm bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Hình sự và các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Luật Hải quan, Luật Quản lý thuế, các Luật về thuế và các văn bản quy phạm pháp luật
hiện hành có liên quan đến quản lý nhà nước về hải quan, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hải quan, phù hợp các chuẩn mực trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và tuân thủ theo cam kết.
Kế thừa những quy định còn phù hợp của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP, bổ sung những quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong quản lý nhà nước về hải quan, khắc phục, xử lý những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực
hiện các Nghị định này.
Việc sửa đổi bổ sung hành vi vi phạm hành chính trong Nghị định được xây dựng phù hợp với các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và phù hợp với cơ chế quản lý.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum
Tại điểm cầu Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo các đơn vị và cán bộ công chức làm công tác xử lý vi phạm. Tại Hội nghị Lãnh đạo Cục trực tiếp lắng nghe ý kiến của các đơn vị Vụ, Cục thuộc Tổng cục Hải quan và
hải quan các tỉnh, thành phố trao đổi, thảo luận về công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Đồng thời đề xuất những vướng mắc, khó khăn phát sinh để công tác xử lý vi phạm tại đơn vị phù hợp với quy định của pháp luật./.
Thanh Tuấn.